Theo các chuyên gia tư vấn tâm lý, các ông chồng ham thê thiếp đều thực hiện “công nghệ” đi từng bước…
Bị vợ phát hiện mình bồ bịch, ông Tường Minh, kỹ sư điện tử, biện minh: “Anh chỉ coi cô ấy như em út trong lớp học Anh văn. Cô ấy thích anh vì anh nói năng rất logic, thuyết phục. Anh chỉ gặp gỡ, coi như là giúp cô ấy… tiến bộ”.
Bà vợ chợt dịu lòng, ngày xưa bà cũng bị hớp hồn bởi cách nói chuyện cực kỳ hấp dẫn của ông. Đàn bà vốn yêu bằng tai. Bà không thể cấm đoán các cô gái ngưỡng mộ điểm mạnh của ông. Bà chỉ nhắc ông cẩn trọng “lửa gần rơm”.
Nhưng một thời gian sau, bà vẫn thấy ông siêng năng “phụ đạo” cho cô gái trẻ, trong túi của ông thỉnh thoảng lại có những hóa đơn thanh toán khách sạn, ăn uống cho hai người. Bà bấm bụng nhờ dịch vụ thám tử theo dõi và ập vào bắt tại trận cả đôi đang âu yếm nhau trong một phòng karaoke.
Bà tưởng ông sẽ nhanh chóng hối lỗi. Ai dè, về nhà, ông tỉnh queo: “Anh đâu có yêu cô ta, chỉ là vui vẻ qua đường. Em làm quá cô ta sẽ chê cười em. Cô ta làm sao so sánh được với em. Mọi việc để anh giải quyết, anh là đàn ông không thể cương quyết đoạn tuyệt được! Hơn nữa, cô ấy đâu có đòi… lấy anh”.
Cũng bắt đầu quy trình bồ bịch bằng công đoạn “qua đường” như thế và cho đến khi bị vợ phát hiện, ông Thái Ban, phó giám đốc một công ty xây dựng, không còn chối đây đẩy nữa. Nhưng ông đánh vào lòng trắc ẩn của vợ: “Em nghĩ xem, cô ấy là sinh viên mới ra trường, rất đáng thương, bơ vơ giữa thành phố lớn, bao nhiêu cạm bẫy, chỉ biết nương tựa vào anh. Anh không thể bỏ em, bỏ gia đình, nhưng với cô ấy, anh cũng không thể bỏ mặc. Em cho anh một thời gian, để anh thu xếp chu toàn, để cô ấy khỏi trách móc”.
Thấy ông xã thật lòng sám hối, tỏ ra còn có trách nhiệm với gia đình và với cả mối tình lỡ chân, nên bà vợ thôi không còn nổi cơn thịnh nộ. Hơn nữa, bà tin rằng cô gái trẻ kia rồi sẽ đi lấy chồng. Nhưng thời gian trôi qua, ông xã bà càng “sắp xếp” lại càng dính chặt với tình nhân. Cô ta đau ốm, ông cuống cuồng chạy đến. Lo sợ cô ta có con, nghĩ đến cảnh khối tài sản bị chia chác cho cả con ngoài giá thú, bà vợ thôi thúc chồng phải chấm dứt.
Nhưng ông cứ ậm ừ, hứa hẹn tới lui. Lòng kiên nhẫn cạn kiệt, bà ra tối hậu thư “phải chọn lựa” thì ông lật bài: Không thể sống thiếu cả hai.
Bà hăm he ly hôn, ông xuống nước: “Anh không hề muốn cảnh gia đình ly tán, con cái khổ sở, chẳng mang lại lợi ích cho ai. Nếu em viết đơn, anh cũng không ký, vì anh còn muốn sống với em”.
Theo bà Nguyễn Thị Thương – Giám đốc Trung tâm Tư vấn Gia đình và Ly hôn, một số bà vợ trẻ khi đến gặp các chuyên viên tư vấn, kiên quyết chia tay với ông chồng bạc tình, nhưng sự quyết tâm thường hay tỷ lệ nghịch với tuổi tác. Với các bà cứng tuổi, trước quyết định ly hôn, họ có nhiều đắn đo, hoang mang. Dù có lúc không chịu nổi cảnh chồng bồ bịch, nhưng có bà vẫn không chắc cảnh “nhà không có đàn ông” có thật sự tốt đẹp hơn.
Trong tâm trạng băn khoăn giữa ngã ba đường, bà Trúc Giang, một giáo viên, đành chấp nhận giải pháp ly thân do ông chồng đề nghị. Bề ngoài, bà có vẻ thoải mái “mạnh ai nấy sống”, tài sản vẫn còn nguyên để chia cho các con. Bà không mang tiếng “bị chồng bỏ”, nếu như ngày nào đó ông quay về, bà có cơ hội tuyên bố: “Ông có đi đâu rồi cũng về tay tôi”.
Nhưng không đêm nào bà có giấc ngủ trọn vẹn vì nỗi ấm ức ông chồng ngày càng tung tẩy công khai chuyện bồ bịch. Trong một cơn tuyệt vọng và giận dữ, bà cũng viết đơn ly dị nộp cho tòa án. Tòa mời nhiều lần, chồng bà mới có mặt, một mực xin tòa cho cơ hội đoàn tụ. Vị thẩm phán cũng khuyên bà nên cho ông thêm thời gian. Bà về nhà, không còn hùng hổ kiên quyết đòi ly hôn, vì mãi suy nghĩ câu nói của chồng trước tòa: “Tôi không hề muốn cưới vợ khác và tôi cũng mong em dù được ly hôn, cũng đừng vội… lấy chồng khác, bởi có ngày tôi sẽ quay về”.
Theo các chuyên gia tư vấn tâm lý, các ông chồng ham thê thiếp đều thực hiện “công nghệ” đi từng bước. Đầu tiên là cố chối cho đến cùng đường. “Cho anh một thời gian” là bước tiếp theo, nhằm tạo dựng hy vọng cho bà vợ và kéo dài thời kỳ “ong bướm”. Đẩy nhiệm vụ viết đơn ly hôn về phía bà vợ kèm theo một lời hứa “ Sẽ quay về, dù đã chia tay”.
Các bà vợ bị bủa vây bằng hy vọng, bằng ảo tưởng chồng vẫn còn thương yêu mình. Các ông chồng sử dụng chiến lược “kéo dài tình hình đàm phán, không đi đến kết quả” đều hiểu rất rõ lòng dạ của bà xã. Các ông xây dựng chế độ đa thê một cách tinh vi, từng bước và luôn chừa lối thoát hiểm về mặt luật pháp và cả đạo lý. Gieo vào lòng vợ niềm tin và hy vọng, đó cũng là cách các ông tạo ra chỗ ẩn nấp kín đáo, vì không có bà vợ nào nỡ tố giác chồng tội vi phạm luật hôn nhân.
Nhưng cũng không ít bà vợ “tương kế tựu kế” để không bị sa lầy. Chuyên viên tư vấn Nguyễn Thu Hiên, người “đồng hành” với nhiều bà vợ trên con đường giành lại tình yêu, hạnh phúc, đã đưa ra kinh nghiệm: Khi biết hung tin, các bà cố giằn cơn ghen, đừng chà đạp tình địch, đừng đe dọa, ăn thua với cô ta. Bình tĩnh khiến cho các bà sáng suốt, giữ gìn giá trị của mình, nhìn được toàn cảnh và tạo không khí gia đình vui vẻ. Khi các ông cần thời gian, các bà vợ nên đưa ra giới hạn cụ thể (mấy tháng), coi đây là cơ hội vàng và triệt để tác động vào giai đoạn này.
Chị Thúy Vân, một nhân viên ngành đường sắt, đã yêu cầu chồng đưa mình đi gặp “đối tượng”. Chị kể, lúc đầu, chồng chị không đồng ý, nhưng khi biết chuyện, vợ chưa bao giờ xúc phạm cô gái kia, cũng chẳng nổi cơn thịnh nộ nên ông xã đã chấp thuận. Cuộc gặp gỡ diễn ra rất thoải mái. Chị cũng không ngại bàn đến việc giải quyết ly hôn, nếu chồng và cô gái không thể sống thiếu nhau. Mọi việc đều rõ ràng, chị luôn giữ thái độ tôn trọng, lắng nghe.
Và đúng một tháng sau, ông xã chị chia tay thật sự với cô ta vì anh biết một điều, chị không hề van xin tình yêu của anh. Đến giờ, họ vẫn tiếp tục chung sống hạnh phúc, vì chị không bao giờ nhắc lại sai lầm của chồng.
Dân Trí
0 nhận xét:
Đăng nhận xét